Diễn đàn cựu sinh viên MTUCI
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Thư giãn nhẹ nhàng những ngày đầu xuân Nhâm thìn với tiểu phẩm vui (tt)

Go down

Thư giãn nhẹ nhàng những ngày đầu xuân Nhâm thìn với tiểu phẩm vui (tt) Empty Thư giãn nhẹ nhàng những ngày đầu xuân Nhâm thìn với tiểu phẩm vui (tt)

Bài gửi by Masa 28/1/2012, 7:39 am

Sau những câu đố tết của anh Cường mời các anh chị em tiếp tục thư giãn với tiểu phẩm vui của tác giả Nguyễn Vũ viết cho xuân Nhâm thìn.
Trong tiểu phẩm có một số chữ Hán. Kiểu chữ "gạch gạch một đống" này thì trong nhà mình chắc chỉ có anh Cường mới đọc nổi thôi, phải không anh Cường?






ĐỀ ĐÔ - THÀNH NAM - TRANG

Một lần chợt nghe, tiếng nói quê-hương,
Giọng người gọi tôi, nghe tiếng rất nhu-mì…

Trịnh Công-Sơn.

1.

1982.

Tôi vốn không có thói quen la-cà quán cà-phê như nhiều nam-sinh cùng khối, nên hay bị chọc quê là Nguyễn ‘thị’. Vì thế một ngày nọ, tôi quyết-định đi cà-phê đèn-mờ cùng các bạn một lần cho mọi người biết mình cũng nòi nam-nhi chi chí. Nói là đèn-mờ cho nó oai chứ thực ra vào những năm đầu 1980, đúng ra phải gọi là cà-phê đèn màu vì lúc đó chưa có phong-trào mát-xa mát gần, gác tay gác chân như những năm sau này. Chỉ có ánh đèn màu xanh đỏ mờ-ảo và máy hát phát đi phát lại vài băng cassette cũ kỹ, nhão nhoẹt.

Tối hôm ấy, lúc nhóm đến nơi thì trời nhá nhem tối. Quán đã khá đông nhưng cả đám cũng kiếm được một bàn đủ chỗ cho bảy, tám đứa ngồi chen-chúc. Hình như hôm đó ai cũng gọi cà-phê đen hay cà-phê đá, chỉ có tôi là gọi … chanh nóng. Trong khi chờ chủ quán pha cà-phê, cả đám tán dóc đủ chuyện: chuyện lớp này lớp nọ hay chuyện hôm nay thầy nào ‘chơi ác’ cho làm bài kiểm-tra 15 phút đột-xuất. Những ly cà-phê cái-nồi-ngồi-trên-cái-cốc dần dần được bưng ra. Những giọt nước đen ngòm thoảng thơm mùi cà-phê pha bắp, khen-khét lẫn ngòn-ngọt. Chỉ có ly chanh nóng của tôi là đợi hoài vẫn chưa thấy. Thế là đám bạn bắt đầu bàn ra tán vào: “Chắc còn đi hái chanh”, “Chắc còn đi mua thêm đường”, “Hay là ở đây không có bán chanh nóng”. Có đứa còn chọc quê: “Thằng này muốn chơi nổi hả mậy? Ai đời đi uống cà-phê mà kêu chanh nóng…” Trêu ghẹo một hồi cũng chán và tụi nó quay sang đề-tài khác. Rồi thì mọi người cũng quên bẵng chuyện ly chanh nóng chưa có. Cả lũ lại tán dóc từ chuyện trong lớp đứa nào ‘để ý’ đứa nào, cặp nào lén đi chơi bị bắt gặp ở đâu… cho tới bàn ‘số đề’ chiều mai đầu đuôi ra số mấy…

Một bàn tay thon-thả, trắng-trẻo từ phía sau lưng tôi bỗng chen vào, đặt lên bàn một cái ly và một giọng nói thủ-thỉ từ phía sau.

- Chanh nóng của anh đây nì.

Một giọng nói mang âm hưởng miền Trung trong-trẻo, nhẹ-nhàng như một làn gió biển xứ Nha Trang thoảng qua làm tai tôi nóng bừng và giật mình quên cả nói cám-ơn. Đến khi quay nhìn thì không còn thấy ai sau lưng…

Sau hôm ấy, tôi có trở lại một vài lần nhưng không gặp lại giọng nói lẫn người con gái đó. Qua nhiều lần quanh co hỏi dò mới biết là cháu gái bà chủ ở xa đến chơi vài tuần, nhưng đã về quê lâu rồi…

Tình-cờ làm sao, ít tuần sau, thầy Phan An dạy bài thơ ‘Đề Đô-Thành Nam-Trang‘ của Thôi-Hộ. Ngoài giọng nói truyền cảm, thầy An có cách giảng rất hấp -dẫn và hay giảng thêm những chi-tiết ngoài lề thú-vị. Tôi còn nhớ thầy thích nói về cái đẹp của những từ Hán-Việt và cấu tạo chữ Hán loại Hội-ý theo phép lục-thư (1): Chẳng hạn như chữ Xuân (春) trong Hán-tự có ba nét ngang chữ tam (三) là ba, một chữ nhân (人) là người và một chữ nhật (日) nghĩa là ngày. Thầy giảng cách nhớ chữ này là nhớ truyện Kiều (tất nhiên rồi) chuyện ba người (Vương Quang, Thuý-Vân, Thuý-Kiều) đi chơi ngày … Xuân. Hay chữ đông (東) tượng hình ‘mặt trời (日) còn trong lùm cây (木)’ hay ‘mặt trời mọc ở phương… Đông (東)’. Khi ‘mặt trời (日) lên đỉnh ngọn cây (木)’ thì thành chữ cảo (杲) nghĩa là trời sáng, mặt trời lên ‘cao’. Còn khi ‘mặt trời (日) lặn khuất dưới rặng cây (木)’ thì thành chữ yểu (杳) nghĩa là ‘mờ-mịt’ như lúc trời sẩm tối. Nhìn nét phấn trắng minh-hoạ mấy chữ Hán trên bảng đen, không nhớ Anh-Tài hay bạn nào khoái quá đã phán một câu xanh rờn: ”Quá độc. Độc như thịt vịt”…

Hôm giảng bài Đề Đô Thành Nam Trang (題都城南莊) hay còn gọi Đề tích sở kiến xứ (題昔所見處) của Thôi Hộ (崔護), thầy giảng nghĩa cặn-kẽ từ tên bài thơ Đề Đô Thành Nam Trang có nghĩa là “Viết (đề) ở ngôi nhà phía nam (Nam trang) của Trường-An (Đô Thành) tới những cái … thần sầu trong bốn câu đề-thực-luận-kết (2) của bài thơ Đường nổi tiếng này.

Bài thơ nguyên văn như sau:

題都城南莊

去年今日此門中,
人面桃花相映紅。
人面不知何處去?
桃花依舊笑東風。

Dịch âm:

Đề Đô-Thành Nam-Trang

Khứ niên, kim nhật, thử môn trung,
Nhân diện, đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

mà tôi tạm dịch nghĩa:

Ngày này, năm xưa, lạc bước đến cửa đây.
(Trông thấy) nét mặt ai cùng hoa đào pha sắc hồng.
Mặt ai giờ không biết ở phương nào.
Chỉ còn thấy hoa đào cười trong gió đông (gió xuân) y như cảnh cũ.

Khoan hãy nói đến phần dịch thơ mà hãy tìm hiểu xuất xứ của bài thơ này trước. Câu chuyện nổi tiếng về mối tình Thôi Hộ đề thơ có nhiều dị-bản nhưng đại-đồng tiểu-dị. Các bản Đường thi kỉ sự, Bản sự thi, Kim Cổ kì quan, Tình sử… (3) có thể tìm trên Google. Ở đây mình chỉ chép lại bản trích trong Kiến văn tạp lục (4) ở Nguyễn thị sơn trang.

“Đại Hoa-kỳ-quốc, Bá-Lạc tông-tông nguyên niên, nghe cụ tổ nhà ta kể chuyện Thôi sinh, rất lý thú như ta thủa nhỏ nên ghi lại ở đây.

Thôi Hộ (崔護), không rõ năm sinh năm mất, người Bác-Lăng (博陵) đời Đường (nay là huyện Định, tỉnh Hà Bắc), tự Ân-Công (殷功), đỗ tiến-sĩ vào năm 796, thời Trinh-Nguyên (貞元) thứ 12, làm chức Lĩnh Nam tiết độ sứ (嶺南節度使). Thủa thiếu-niên gia cảnh sung-túc nên tính hay hoa-nguyệt. Nhân đức kim-thượng mở khoa ứng-thí mới lều chõng lên thành đô Trường An, trước mua vui, sau cũng ghi danh thi đại học cho giống bạn giống bè. Vì thế mới có câu: “Đi thi cho biết trường thi. Đi thi đến ngó đề thi rồi về“. Trên đường đi, sinh khát nước mà không tìm được chỗ bán nước dừa, nước mía hay trà đá dọc theo xa lộ bèn rẽ ‘xế’ về hướng nam vào một xóm bên đường. Ngang qua Đào gia trang, thoáng thấy Đào tiểu-thư ngồi dưới khóm đào, mông kề gốc, má kề hoa trông rất ngộ. Sinh tâm-thần mê-mẩn bèn quay xe vào kiếm cớ xin nước uống. Đào công sai osin đem nước uống nhưng không cho tiểu-thư ra ngoài. Thông minh vốn sẵn tính trời, sinh nghĩ kế viết một bài thơ, xong xếp máy bay phóng vào vườn sau. Chẳng may máy bay giấy rơi xuống sau nhà bị chó tha đi. Xếp chiếc thuyền thả xuống đường mương thì giấy thấm nước chìm lĩm. Sinh không nản chí, nghĩ cách viết thơ dùng băng keo dán lên trước cửa ngõ,

Thư giãn nhẹ nhàng những ngày đầu xuân Nhâm thìn với tiểu phẩm vui (tt) DSC_0666

Nào ngờ Đào ông sai osin ra xé mất. Sinh không phục bèn photocopy làm chục bản, bản dán lên cửa sổ,

Thư giãn nhẹ nhàng những ngày đầu xuân Nhâm thìn với tiểu phẩm vui (tt) DSC_0672

bản dán lên tường,

Thư giãn nhẹ nhàng những ngày đầu xuân Nhâm thìn với tiểu phẩm vui (tt) DSC_0674

bản dán lên bếp

Thư giãn nhẹ nhàng những ngày đầu xuân Nhâm thìn với tiểu phẩm vui (tt) DSC_0670

bản dán lên cửa trước

Thư giãn nhẹ nhàng những ngày đầu xuân Nhâm thìn với tiểu phẩm vui (tt) DSC_0668

bản dán lên cửa sau

Thư giãn nhẹ nhàng những ngày đầu xuân Nhâm thìn với tiểu phẩm vui (tt) DSC_0673

bản dán lên nóc nhà

Thư giãn nhẹ nhàng những ngày đầu xuân Nhâm thìn với tiểu phẩm vui (tt) DSC_0667

bản dán xuống đất

Thư giãn nhẹ nhàng những ngày đầu xuân Nhâm thìn với tiểu phẩm vui (tt) DSC_0671

Không ngờ dán tới đâu, osin xé tới đó. Cái khó ló cái khôn, sinh bỗng nghĩ ra diệu-kế tiếng Ăng-lê gọi là win-win solution, không dùng băng keo mà dùng một tờ xanh có hình tông tông xứ cờ hoa dán bài thơ ngay vào tay osin. Được tiền như cởi tấm lòng, bài thơ lập tức được trao cho Đào tiểu thư.

Chuyện dài dòng nhưng túm lại về sau, sinh lấy được Đào tiểu thư. Vì thế mới có thành-ngữ ‘Có số đào hoa. Nhà họ Đào chỉ có 1 mụn con gái. Gia-cảnh lại hơn hẳn Thôi gia, nên sinh phải ở rể. Ngoại-nhân không hiểu đàm-tiếu cho sinh là hạng đào mỏ. Trai ở nhà vợ như chó ở gầm giường, làm rể nhà họ Đào 3 năm để dùi mài kinh sử và làm tài xế không công cho Đào gia mà không có cách nào đào tẩu, sinh mới cảm thán một câu truyền cho hậu thế ‘Chém cha cái số hoa đào…

Bản dịch thơ thì nhiều vô kể. Các bạn có thể Google dễ dàng ra các bản dịch (5) từ Tản Đà, Trần Trọng-Kim, Trần Trọng-San đến Đỗ Bằng-Đoàn & Bùi Khánh-Đản, Nguyễn thị Bích-Hải hay vài chục bản dịch của những người yêu thơ đường trên các forums. Ở đây mình không chép lại cho rườm rà, chỉ chép một bài của mình … tự dịch hồi xửa, hồi xưa cho nó đông thêm cái xóm nhà lá phố-rùm (forum) đường thi.

Năm ngoái lang-thang tới nhà em.
Mặt em e-ấp ánh hoa đào.
Dáng xưa không biết giờ đâu vắng.
Chỉ thấy cánh đào cợt gió xuân.

Quay lại chuyện hồi xửa hồi xưa, lúc thầy An giảng bài này, thầy liên-hệ đến câu Kiều mà Nguyễn Du đã dùng cái điển Nhân diện bất tri hà xứ khứ, Đào hoa y cựu tiếu đông phong một cách thần sầu:

Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

Trong khi lũ học trò con gái còn mơ-màng với cái hình ảnh đào hoa tiếu đông phong, bọn con trai còn nghĩ tới nụ cười ai đó trong ngày xuân năm ấy, thì thầy lại tỏ ra rất tâm-đắc với câu thực mà thầy cho là hình-ảnh đẹp nhất trong bài thơ: “Nhân diện, đào hoa tương ánh hồng”. Còn gì đẹp hơn trong một sáng se lạnh lúc đông tàn, xuân đến, nhìn thấy khuôn mặt người con gái đương-thì phủ lông măng mịn-màng ửng hồng dưới ánh hoa đào. Mắt thầy xa xăm nhìn qua cửa sổ. Thầy có mơ-màng về một loài hoa dáng như tim vỡ nào không…

Đến đây bỗng nhớ câu nhạc ‘chế’ của Bình lớp 12B mình (nhại theo tình khúc Kachiusa):

Đào vừa ra hoa, người ta sẽ kêu là hoa đào
Đào mà ra bông, người ta sẽ kêu là bông đào…
2.

2012.

Không biết từ bao giờ, tôi có thói quen chỉ gọi chanh nóng mỗi khi đi quán cà-phê. Có lẽ tại tôi không biết uống cà-phê. Cũng có thể do một thói quen từ trong vô thức.

Hôm ấy, như thường-lệ, ghé một quán cà-phê quen thuộc, gọi nước uống và xem người ta đánh cờ-tướng. Bẵng một chốc, tôi chăm-chú nghĩ về các nước cờ và mọi chuyện chung quanh dường như biến mất.



- Chanh nóng của anh đây nì.



Một thoáng gờn-gợn chạy dọc theo sống lưng. Tôi quay phắt lại và bắt gặp khuôn mặt xa lạ của một thiếu-phụ trung-niên. ‘Bà chủ mới của quán’ tôi nghe người ta nói quán mới đổi chủ mà không để ý lắm. Giọng nói rất quen, rất quen như đã một lần nghe ở đâu đó mà trong giây phút không nhớ ra. Rồi thì mọi thứ như một cuộn phim chạy nhanh qua đầu, từ những ngày chân ướt, chân ráo đến Hoa-kỳ; những ngày đầu ra trường lang thang đất Sài Gòn kiếm việc làm; chuyện thầy-cũ trường-xưa, chuyện đi cà-phê đèn mờ với bạn-bè, … và rồi tôi nhớ ra…

Một chút bùi-ngùi và hiểu rõ hơn cái tâm-tình hoài-niệm ngày nào tuổi học trò, một cố-nhân mặt-hoa da-phấn với nụ cười rạng-rỡ làm tim tôi ngừng đập. Một chút bùi-ngùi khi thấy cành đào plum của Mỹ như cánh đào hoa y cựu vẫn phất-phơ cười nụ trong cơn mưa xuân ngày tết xứ Cali.

California, 23 tháng Giêng 2012

——-

Chú thích cho các bạn lâu ngày đã trả hết, trả hết cho thầy những chuyện liên quan đến văn học cấp 3.:

(1) Lục thư: Theo “Tự Học Chữ Hán” của Lưu Khôn.

… các chữ Nho đều được cấu tạo theo 6 phép gọi là “lục thư” (Lục: 6, thư: tả đúng trạng thái của sự vật, chép vào tre, lụa).
A._ Tượng hình:
Thấy vật gì vẽ vật ấy. Tỉ dụ: θ 日Nhựt: mặt trời.
B._ Chỉ sự (hay tượng sự, xử sự):
Trông mà biết được, xét mà rõ ý.
Tỉ dụ: 上, thượng: ở trên. 下, hạ: ở dưới – lấy nét ngang (一) làm mốc, phần đứng ở trên là 上, phần đứng ở dưới là 下.
C._ Hội ý (hay tượng ý):
Mỗi chữ có nhiều phần, mỗi phần có một nghĩa, hợp các nghĩa từng phần sẽ có nghĩa của toàn chữ.
Tỉ dụ: 古 cổ: xưa – điều gì mà 10 (十 thập) miệng (口 khẩu) đã nói đến là cũ, xưa rồi.
D._ Hình thanh (hay tượng thanh, hài thanh):
Dùng một một chữ cũ mà âm thanh tương tự với âm thanh của chữ định đặt ra để định âm thanh, rồi ghép vào một bộ để chỉ ý nghĩa của chữ mới.
Tỉ dụ: 江 giang: sông, gồm bộ 氵thuỷ để chỉ vật gì có liên quan đến nước (ý) và chữ 工 công, chữ này tạo cho ta âm “giang”.
Lối tạo chữ này rất được thông dụng.
E._ Chuyển chú:
Dùng một chữ có sẵn, thay đổi hình dạng đi đôi chút, để đặt ra một chữ khác có nghĩa tương tự.
Tỉ dụ: từ chữ 老 lão: già ta có 考 khảo: sống lâu.
F._ Giả tá:
Mượn sai.
1._ Hoặc lầm với chữ khác.
Tỉ dụ: 說 thuyết dùng lầm cho chữ 悅 duyệt trong Luận ngữ.
2._ Hoặc dùng chữ sẵn mà đọc khác thanh âm, để dùng vào nghĩa khác.
Tỉ dụ: 長 trường: dài, 長 trưởng: lớn.
3._ Hoặc giữ nguyên thanh âm của một chữ nào đó, rồi gán cho nó một nghĩa mới.
Tỉ dụ: 萬 vốn có nghĩa là con bò cạp (萬 tượng hình con vật ấy) nhưng lại dùng theo nghĩa 10000.

(2) Một bài thơ tứ tuyệt (bốn câu là hết) thì câu đầu được thường là câu đề, câu hai là câu thực, câu ba là câu luận và câu cuối là câu kết. Một bài bát cú (tám câu) thì hai câu đầu là đề, hai câu 3, 4 là luận …

(3) - Sách Đường thi kỉ sự 唐诗纪事 và Bản sự thi 本事诗 đều có những ghi chép về giai thoại này. Đường thi kỉ sự chép như sau:

“Thôi Hộ thi không đỗ tiến sĩ, trong tiết thanh minh, một mình dạo chơi ở phía nam đô thành, nhìn thấy một ngôi vườn toàn đầy hoa. Gọi cửa rất lâu, có người con gái hỏi vọng từ khe cửa. Chàng trả lời rằng:

寻 春 独 行,酒 渴 求 饮。
tầm xuân độc hành, tửu khát cầu ẩm
(tìm xuân một mình, khát xin nước uống)”

Người con gái mở cửa, mang nước đến cho chàng, nàng đứng yên thật lâu bên cành đào nghiêng bóng, mắt lặng nhìn đăm đăm. Lúc Thôi Hộ từ biệt, nàng tiễn chàng ra đến cổng, tình chàng vẫn còn lưu luyến. Mãi về sau, chàng không quay trở lại. Đến tiết thanh minh năm sau, chàng tìm về nơi xưa cũ, cửa ngõ vẫn như ngày nào, nhưng cổng ngoài đã khóa, không biết chủ nhân ngày xưa giờ ở nơi đâu. Nhân đó chàng đề câu thơ “Khứ niên kim nhật thử môn trung” ở cánh cửa bên trái

- Theo sách Cổ kim kì quan (do Mộng Bình Sơn biên soạn) thì cô gái có tên là Đào Quốc Trinh.

- Giai thoại ghi chép trong sách Tình sử (do Phùng Mộng Long biên soạn) như sau:

Một hôm Thôi Hộ ra phía nam đô thành du xuân, thấy một dinh cơ có vườn đào nở hoa rất đẹp liền gõ cửa vào xin nước uống. Có một cô gái yểu điệu thanh tân ân cần mời chàng uống nước. Rồi chàng cáo biệt trở về.

Ngày thanh minh năm sau, Thôi Hộ chợt nhớ nơi cũ liền tìm đến, thấy vườn đào vẫn như xưa nhưng của ngoài thì khóa. Thôi Hộ đề vào cánh cửa bài thơ trên. Mấy hôm sau Thôi Hộ đi qua gần lối ấy, nhân đó ghé lại thì nghe trong nhà có tiếng khóc. Thôi Hộ gõ cửa vào thăm, một ông cụ chạy ra hỏi ngay rằng:

- Cậu có phải là Thôi Hộ không?

Thôi sinh nhận, ông cụ khóc nói rằng:

- Cậu giết chết con lão rồi!

Thôi Hộ kinh ngạc, ông cụ lại nói rằng:

- Con lão là gái có học, tuổi mới cập kê, chưa gả cho ai. Tự năm ngoái đến giờ con lão như ngây như dại; hôm vừa rồi lão đưa đi chơi, về đến cửa thấy thấy có chữ, nó đọc rồi sinh bệnh liền, không ăn không uống mà chết. Lão chỉ có một mụn con, chưa gả chồng là có ý kén rể hiền, ai ngờ nay con lão chết, không phải cậu giết nó thì ai?

Ông cụ nắm lấy Thôi sinh mà khóc. Thôi Hộ xúc động xin vào viếng, thấy dung nhan nàng vẫn còn tươi tắn, chàng rơi nước mắt khấn vái và kêu lên:

- Nàng ơi, tôi trở lại đây!

Cô gái mở bừng đôi mắt, sống lại.

Ông cụ mừng quá, gả ngay cho Thôi sinh.

(4) Kiến văn tạp lục: ghi chép (lục) những chuyện linh tinh lang tang (tạp) mắt thấy (kiến) tai nghe (văn); Nguyễn thị sơn trang: Nhà trên vùng cao của họ Nguyễn. Tức là nhà của … tui đó. Đại Hoa kỳ quốc, Bá-lạc tông-tông nguyên niên, tức năm 2008, năm đầu Barrack Obama làm tổng thống Hoa-kỳ.

(5 ) Vài bản dịch phổ biến:

Năm xưa cửa ấy ngày này,
Hoa đào đua nở cho ai thêm hồng.
Nay đào đã quyến gió đông,
Mà sao người đẹp bềnh bồng nơi nao.
(Tản Đà dịch)

Cửa này, năm ngoái, hôm nay,
Hoa đào phản chiếu mặt ai ửng đào.
Mặt người giờ ở nơi nao?
Hoa đào vẫn đó cười chào gió đông.
(Trần Trọng San dịch)

Cửa đây, năm ngoái cũng ngày này,
Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây.
Má phấn giờ đâu? Đâu vắng tá?
Hoa đào còn bỡn gió xuân đây.
(Tương Như dịch)

Năm qua trong cánh cổng này,
Màu hoa cùng với mặt ai ửng đào.
Giờ đây người ở nơi nao,
Hoa đào như cũ cười chào gió đông.
(Nguyễn Thị Bích Hải dịch)

Năm ngoái ngày này dưới cánh song
Hoa đào ánh má mặt ai hồng
Mặt ai nay biết tìm đâu thấy
Chỉ thấy hoa cười trước gió Đông
(Đỗ Bằng Đoàn & Bùi Khánh Đản dịch)

( Nguồn: http://cap3thixa.wordpress.com/thong-tin-chia-s%E1%BA%BB/be-b%E1%BA%A1n/d%E1%BB%81-do-thanh-nam-trang/ )
Masa
Masa

Tổng số bài gửi : 178
Số lần được bình chọn : 0
Join date : 13/11/2009
Age : 58
Đến từ : TPHCM

http://lopn5.weebly.com

Về Đầu Trang Go down

Thư giãn nhẹ nhàng những ngày đầu xuân Nhâm thìn với tiểu phẩm vui (tt) Empty Sầu đong càng lắc càng đầy…

Bài gửi by Masa 30/1/2012, 11:11 pm

Thêm một tiểu phẩm khác của tác giả Nguyễn Vũ

SẦU ĐONG CÀNG LẮC CÀNG ĐẦY…
Tôi xin bắt đầu cái topic nầy. Mong các bạn nào từng “trót yêu nàng Kiều” cùng tham gia nhé.

Bàn về chữ “Sầu”, người ta có nhiều chữ để diễn tả nỗi sầu ở các mức độ khác nhau: sầu da diết, sầu thê lương, sầu vạn cổ, sầu man mác, sầu đau sầu đớn,….

Nhưng tả được nỗi sầu một cách cụ thể, rất bình dân nhưng cũng rất văn hoa thì chỉ có Nguyễn Du:

“Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.”


Tôi vốn là học sinh chuyên toán. Khi nghe câu nầy lần đầu thì chẳng hiểu gì cả. Lại nghĩ “sầu đong” là cái gì nhỉ? Có lẽ “sầu đông” mà người ta in nhầm chăng? Mà cây sầu đông mà “càng lắc” thì chỉ có nước … rụng lá chứ càng đầy là nghĩa gì? Hay là lá rụng đầy sân? Cụ Tố Như có linh thiêng thì xin thứ cho chứ thực tình hồi trung học tôi nghĩ như vậy.

Cho đến khi lên lớp, thầy Phan An, giáo viên kỳ cựu về Kiều của trường cấp ba TX Thủ Dầu Một, giảng nghĩa, tôi mới “vỡ” ra và khâm phục cách dùng chữ của cụ Tố Như quá xá.

Thường cái gì đong trong lon, trong thúng, khi ta “càng lắc” thì nó “càng vơi” xuống. Không tin thì bạn thử xúc một .. lon gạo rồi lắc thử xem. Rõ ràng là “càng lắc càng vơi” Thế nhưng nỗi sầu thì không biết Nguyễn Du đong bằng cái gì nhưng lại “càng lắc càng đầy”! Quả thật nỗi buồn khi ta càng gặm nhấm nó thì nó lại càng lớn thêm lên chứ chẳng bớt đi chút nào.

Sầu đong “càng lắc càng đầy”

Mà đối với tuổi mới lớn thì còn nỗi buồn nào thấm thía cho bằng chia tay với người yêu. Gặp nhau cả ngày trời, vừa mới chia tay đã nhớ, đã muốn gặp lại ngay. Trong lòng lúc nào cũng bồn chồn, không yên, chỉ muốn gặp lại người yêu ngay lập tức. Mà gặp không được thì sinh buồn sầu, xem mỗi giờ trôi qua dài cả thế kỷ (nhất là khi không có cả cái “a-lô” thì còn khổ đến mức nào). Chỉ mong sao trời mau sáng để có dịp gặp lại người yêu.

Vừa mới sáng đã mon men đến nhà em (hay nhà anh) thì mới hay cả nhà em … đi chơi xa, lâu lắm đến … chiều mai mới về. Ối giời ơi, sao không bảo nhau tiếng nào …

Kinh Thi có câu “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề” nghĩa là “một ngày không gặp dài như ba năm” mà cụ Nguyễn Du đã “phiên dịch” sang Việt ngữ rất tài tình, rất chuẩn và cũng rất bình dân: “Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.”

Thế mà em đến mãi tối mai mới về. Cơ khổ. Cứ mỗi lần nhớ là mỗi lần “lắc” (lắc cái nỗi sầu chứ không phải thuốc lắc nhé, đừng có mà vớ vẫn) và càng lắc thì cái nỗi buồn cứ thế mà dâng lên, đầy lên mãi, muốn không nghĩ cũng không được.

Sầu đong càng lắc càng đầy

Thời gian trôi qua thật mau, thoắt cái đã gần ba chục năm, nhưng tôi vẫn còn cái cảm giác như tiết học văn vừa mới tan sáng nay. Khi thầy Phan An nói lời cuối sau tám tiết học truyện Kiều.

Đứng trên bục giảng, thầy chầm chậm nhìn quanh cả lớp và nhè nhẹ gấp quyển sách giáo khoa trên tay. Giọng thầy chậm rãi nhưng thật ấm áp và trân trọng: “Thôi. Chúng ta đã khuấy động và làm phiền nàng Kiều suốt mấy tuần qua. Giờ thì chúng ta hãy khép cánh cửa lại để nàng Kiều bạc mệnh của chúng ta được nghỉ một giấc bình yên. Vâng, một giấc thật bình yên trong lâu đài văn chương văn học Việt Nam.”

Xin cảm ơn thầy đã truyền cho chúng em sự hiểu biết, niềm cảm hứng và say mê với truyện Kiều.

Sầu đong “càng lắc càng đầy”


California 2004.

( http://cap3thixa.wordpress.com/thong-tin-chia-s%E1%BA%BB/th%E1%BA%A7y-co/919-2/ )
Masa
Masa

Tổng số bài gửi : 178
Số lần được bình chọn : 0
Join date : 13/11/2009
Age : 58
Đến từ : TPHCM

http://lopn5.weebly.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết